Xã Phong Dụ (Tiên Yên) tập trung nguồn lực phát triển kinh tế

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển KT-XH chung của huyện Tiên Yên, Đảng bộ, chính quyền xã Phong Dụ đã không ngừng củng cố, phát triển hệ thống chính trị ngày một vững mạnh và từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện giúp người dân thoát nghèo.

Điểm trường Hua Cầu, Trường mần non xã Phong Dụ được xây dựng kiên cố, khang trang.
Điểm trường Hua Cầu, Trường mầm non xã Phong Dụ được xây dựng kiên cố, khang trang.

Phong Dụ là xã nghèo của huyện Tiên Yên với 894 hộ, 4.182 khẩu, 97,8% là người dân tộc Dao. Những năm trước đây cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn do thiếu điện, thiếu nước, giao thông đi lại trắc trở, dân số 90% là người dân tộc nên tập tục canh tác vẫn còn lạc hậu dẫn nên cái nghèo cứ đeo đẳng bà con mãi. Thế nhưng 3 năm trở lại đây, Phong Dụ đã nổ lực chuyển mình, trở thành một trong những xã thoát nghèo nhanh, bền vững của huyện Tiên Yên.

Trong năm 2014, UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể và các chi bộ triển khai kịp thời các vụ sản xuất, tập trung đưa các loại cây năng suất cao, con giống mới có giá trị kinh tế cao vào trong sản xuất. Xác định nhiệm vụ xoá nghèo bền vững vươn lên làm giàu phải dựa vào thế mạnh địa phương, Phong Dụ đã đẩy mạnh giao đất, trồng rừng.

Với đặc thù diện tích đất rừng rộng, thổ nhưỡng phù hợp với giống cây keo, Phong Dụ đã giao đất trồng rừng trên 1.000ha cho hơn 700 hộ dân. Nhờ sự hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật chăm sóc rừng, người dân Phong Dụ đã mạnh dạn nhận đất, nhận rừng, thay thế những cây trồng chưa hiệu quả như: hồi, quế, thông… bằng cây keo. Được Nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, các diện tích keo của người dân Phong Dụ phát triển rất tốt. Đưa lại thu nhập trung bình từ 40-50 triệu đồng/ha. Không những vậy, nghề trồng keo còn tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho những lao động nông nhàn trong mùa thu hoạch keo.

Chị Sái Thị Lâm, thôn Bản Cái, xã Phong Dụ cho biết: Được sự hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể gia đình chúng tôi cũng đầu tư trồng 4ha cây rừng. Hợp đất cây phát triển rất nhanh, thu nhập từ cây keo chính là nguồn để bà con cải thiện đời sống.

Được biết, nhiều hộ dân khác trong thôn Bản Cái cũng học tập làm theo vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, nhiều nhà có điều kiện mua sắm, cải thiện đời sống…

Hộ anh Chíu Sắn Thím, thôn khe xóm, xã Phong Dụ tiên yên
Mô hình nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Chíu Sắn Thím, thôn Khe Xóm, xã Phong Dụ.

Đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, trong năm qua xã Phong Dụ đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Năm 2014, người dân trong xã đã tham gia hiến 2.651m2 đất làm đường nội thôn từ QL18C vào thôn Khe Soong; xây dựng 226m mương thoát nước khu UBND xã với số tiền gần 180 triệu đồng; Xúc tiến thi công đường 450m đường vào thôn Hồng Phong trị giá 371,5 triệu đồng. Không chỉ đường liên thôn, từ chương trình xây dựng nông thôn mới các tuyến đường liên xã xuất phát từ Phong Dụ cũng đã được mở ra, như đường Phong Dụ - Hà Lâu, Phong Dụ - Đại Dực. Nhiều thôn một thời đã từng rất khó khăn về nguồn nước như thôn Khe Xóm, Đồng Đình, Hua Cáu cũng đã được đầu tư công trình nước sạch. Chỉ tính riêng năm 2011, Phong Dụ đã được đầu tư 5,35 tỷ đồng vào các công trình nước sạch. Năm 2014, Phong Dụ được huyện đầu tư 896 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng; 159 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất...

Ngoài ra, xã Phong Dụ đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới và đã có nhiều hộ tiên phong hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hoá. Nhờ vậy, đến nay Phong Dụ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 14 nhà văn hóa thôn.

Nhờ tập trung phát triển kinh tế nên đã góp phần lớn vào việc thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo ở xã. Hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,6% (giảm 10% so với năm 2013), thu nhập bình quân đạt 7-8 triệu đồng/người/năm.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Thanh Tiến, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ cho biết: Mặc dù điều kiện kinh tế của xã còn gặp nhiều khó khăn trên tất cả lĩnh vực, song bằng sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự quan tâm giúp đỡ của từ huyện đến tỉnh, năm qua, kinh tế xã Phong Dụ có sự phát triển hơn những năm trước. Người dân đã dần chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, xã Phong Dụ sẽ chú trọng xây dựng các chương trình kế hoạch để cụ thể hóa¸ triển khai thực hiện tốt các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới, sớm đưa Phong Dụ thoát nghèo... ".

Tuấn Kiệt

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: