Đông Triều: Làm giàu từ rừng

Tận dụng địa hình đồi rừng, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đông Triều đã phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng phát huy lợi thế địa phương. Qua đó, nhiều mô hình đã được triển khai, nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi rắn mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Nguyễn Văn Mềm, thôn Đồng Đò, xã Bình Khê.
Mô hình nuôi rắn mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Nguyễn Văn Mềm, thôn Đồng Đò, xã Bình Khê.

Qua giới thiệu, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi rắn của gia đình ông Nguyễn Văn Mềm, thôn Đồng Đò, xã Bình Khê. Hiện tại, với mô hình nuôi rắn mới phát triển được hơn 2 năm, nhưng mỗi năm đã cho gia đình ông nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Ông Mềm chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng chỉ làm ruộng, vườn, chăn nuôi đơn thuần, quanh năm vất vả mà thu nhập cũng chẳng để ra được bao nhiêu. Thấy có mấy người quen ở Hải Dương có nghề nuôi rắn làm tốt lắm, tôi quyết định đầu tư xây chuồng, bể rồi mua giống rắn hổ mang đen, rắn ráo trâu về nuôi. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, lại thêm địa hình nhà gần đồi nên con rắn phát triển tốt lắm. Từ 60 con giống ban đầu, đến nay, gia đình tôi đã gây được đàn rắn trên 160 con. Mỗi năm từ tiền bán trứng rắn làm giống cũng cho gia đình nguồn thu trên 100 triệu đồng. Dự kiến năm tới đây, đàn rắn nuôi của gia đình có thể xuất bán thương phẩm, với giá trung bình như hiện nay từ 400.000 đến 500.000 đồng/kg, ước tính gia đình sẽ thu về cả trăm triệu đồng…”.

Giống như ông Mềm, gia đình bà Nguyễn Thị Phòng, thôn Đông Sơn (xã Bình Khê) cũng tận dụng lợi thế đất vườn rừng để phát triển mô hình nuôi lợn rừng. Khởi nghiệp từ đàn lợn rừng gần chục con, sau một thời gian chăn nuôi thấy có hiệu quả, không mất quá nhiều công chăm sóc mà giá bán lại cao, gia đình bà đã mở rộng đàn nuôi với gần 100 con. Mô hình chăn nuôi này mang lại nguồn thu ổn định cả trăm triệu đồng cho gia đình bà.

Không riêng gia đình ông Mềm, bà Phòng, hiện trên địa bàn huyện Đông Triều, các mô hình chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã và các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi, mô hình vườn rừng cũng đang được bà con các xã nhân rộng. Đến nay, toàn huyện Đông Triều có trên 270 trang trại, gia trại, trong đó có hơn 60 trang trại, gia trại đạt doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm, nhiều gia trại có doanh thu từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Bên cạnh đó, với đặc thù địa phương có diện tích đất đồi, vườn rừng rộng, thuận lợi cho các mô hình chăn nuôi động vật hoang dã, nên những năm qua các hộ dân trong huyện cũng tích cực áp dụng các mô hình chăn nuôi theo hướng này. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, hiện trên địa bàn có 31 hộ phát triển chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã như: Chim trĩ đỏ, lợn rừng, rắn, nhím, hươu sao… Các trang trại, gia trại chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang đã, đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn, đã mở thêm hướng làm giàu cho người nông dân.

Cùng với đó, để việc phát triển kinh tế rừng đạt hiệu quả cao, huyện cũng thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích bà con phát triển bền vững rừng trồng trên địa bàn. Huyện đã đẩy mạnh thực hiện công tác giao đất lâm nghiệp cho các hộ nông dân quản lý và canh tác. Đồng thời khai thác triệt để các chương trình, dự án trồng rừng của tỉnh, của huyện đưa vào triển khai thực hiện ở địa phương, vận động nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tích cực trồng rừng sản xuất kết hợp với khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng. Theo thống kê, đến nay toàn huyện đã giao trên 4.700ha diện tích đất rừng cho 1.400 hộ dân quản lý. Trong đó, tổng diện tích trồng rừng tập trung đạt trên 257ha. Hàng năm, tổng khối lượng lâm sản khai thác trên 7.000m3 gỗ keo, bạch đàn, đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân trên địa bàn huyện.

Nguyễn Thanh

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: