Rộng mở dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết, hiện có rất nhiều địa phương mong muốn và đề nghị ký kết chương trình hợp tác với JETRO, nhưng đến nay Quảng Ninh là tỉnh duy nhất của Việt Nam mà JETRO ký kết chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ và thúc đẩy thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào địa phương.

Nhà đầu tư Nhật Bản đã bước qua giai đoạn “thăm dò”

Đến thời điểm này, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản đứng thứ 9/17 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư vào tỉnh. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA), đến tháng 9-2014, trên địa bàn toàn tỉnh có 101 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,1 tỷ USD đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu là Hoa Kỳ với 6 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 2,4 tỷ USD; Trung Quốc có 41 dự án với tổng vốn 548 triệu USD; Hàn Quốc có 8 dự án với tổng vốn 45 triệu USD. Hiện, Nhật Bản có 5 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 44,165 triệu USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Quảng Ninh.

a
Nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu thông tin đầu tư tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). Ảnh: Nghĩa Hiếu

Nhìn lại quá trình đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản trên địa bàn tỉnh có thể thấy các dự án đã đầu tư mới chỉ là bước đầu tư “thăm dò” của đối tác khó tính này với Quảng Ninh. Theo đó, các dự án FDI của Nhật Bản chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất chế biến chứ chưa đầu tư vào các ngành mà Nhật Bản có thế mạnh như công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao… Chính vì vậy, giá trị làm lợi trong đầu tư chưa cao.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết: Các nhà đầu tư Nhật Bản khá khó tính khi lựa chọn địa phương đầu tư bởi đa phần đây đều là các dự án “dài hơi” nên họ không thể nóng vội. Một mặt họ phải nhìn vào sự ổn định của các cơ chế, chính sách của quốc gia và của địa phương họ định đầu tư. Mặt khác, họ rất chú ý đến các quyết sách, động thái và thái độ của lãnh đạo tỉnh cũng như các cơ quan công quyền khi giải quyết các vấn đề liên quan đến các nhà đầu tư khác.

Nhận định về dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng thời gian gần đây, trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội khẳng định: Việt Nam là mảnh đất tiềm năng cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, sự đầu tư này chắc chắn sẽ không dàn trải mà chỉ tập trung ở một số địa bàn trọng điểm. Việc số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản tới tìm hiểu đầu tư tại Quảng Ninh ngày một tăng là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy sau một thời gian thăm dò chính sách của tỉnh, nhà đầu tư Nhật Bản đã có sự tin tưởng và mong muốn được phát triển dự án tại Quảng Ninh.

Xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù

Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Quảng Ninh, Nhật Bản là quốc gia viện trợ vốn vay ODA lớn nhất với 13 dự án, tổng vốn cam kết 200 triệu USD (vốn vay ODA là 193 triệu USD, vốn viện trợ hơn 6 triệu USD), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp giao thông nông thôn; xây dựng công trình thủy lợi; hỗ trợ trang thiết bị, hạ tầng cơ sở phục vụ cho tuyến y tế cấp huyện; cấp thoát nước, bảo vệ môi trường; trồng và chăm sóc rừng; nâng cấp hồ chứa, đập thủy lợi... Trong đó, có một số dự án lớn như: Dự án cảng Cái Lân, dự án nâng cấp Quốc lộ 18A, dự án Cầu Bãi Cháy... là những dự án hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản đã đến tham quan, tìm hiểu hoạt động của Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân tại Cảng Cái Lân (TP hạ Long)
Đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản đã đến tham quan, tìm hiểu hoạt động của Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân tại Cảng Cái Lân (TP hạ Long).

Bên cạnh đó, tiềm năng đầu tư từ dòng vốn Nhật Bản còn rất lớn; và theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các dự án đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản rất chắc chắn, bài bản. Nhà đầu tư Nhật Bản cũng rất quan tâm đến vấn đề đầu tư đổi mới công nghệ, giảm thiểu các tác động đến môi trường và gia tăng giá trị sản xuất bền vững. Điều này rất phù hợp với tiêu chí phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Chính vì vậy, mặc dù dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản trên địa bàn tỉnh tuy vẫn chưa chiếm tỷ lệ cao nhưng từ lâu, tỉnh đã xác định Nhật Bản chính là một trong số những nhà đầu tư chiến lược hàng đầu của Quảng Ninh.

Được biết, với sự tư vấn của JETRO, Quảng Ninh đã quy hoạch riêng các KCN chuyên sâu dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản như KCN Việt Hưng (TP Hạ Long) diện tích hơn 300 ha, được quy hoạch cùng với Khu đô thị, làng văn hoá Nhật Bản với diện tích hơn 100ha bên bờ Vịnh Hạ Long; xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, tỉnh đã ký Thoả thuận hợp tác với JETRO để thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Quảng Ninh, thành lập Hội đồng cố vấn Nhật Bản - Quảng Ninh...

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng Ban IPA tỉnh nhấn mạnh, Quảng Ninh luôn dành sự ưu tiên đối với các nhà đầu tư Nhật Bản và cam kết luôn phối hợp chặt chẽ, tích cực với JETRO Hà Nội để xây dựng một môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản khi tới Quảng Ninh.

Hiện nay, IPA Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thành, trình UBND tỉnh Kế hoạch hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2015. Tham mưu, rà soát và tổng hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo định kỳ đối với các dự án đã được UBND tỉnh cấp GCNĐT. Đồng thời, thực hiện tư vấn, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang triển khai nghiên cứu, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh; đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Song song với đó, trong các hoạt động kêu gọi, trao đổi đầu tư từ nay tới cuối năm, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực trong công tác chuẩn bị các nội dung, chương trình làm việc với đoàn Thống đốc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) về thúc đẩy hợp tác với tỉnh và khảo sát khu công nghiệp trên địa bàn.

Theo đề xuất của trưởng đại diện JETRO Hà Nội, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung hơn nữa tìm hiểu những nhu cầu, nguyện vọng của Nhà đầu tư Nhật Bản, từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đi sâu hơn nữa vào các hoạt động thiết thực nhằm tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư. Ông Atsusuke Kawada cũng đã đề xuất một vài ý tưởng đối với UBND tỉnh Quảng Ninh như: Tỉnh Quảng Ninh nên xác định lựa chọn hoặc là KCN Việt Hưng hoặc là KCN Đông Mai dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản; thành lập mô hình Japan Desk làm đầu mối duy nhất cung cấp thông tin và làm việc với các nhà đầu tư Nhật Bản; thúc đẩy tạo thêm nhiều cơ hội để các nhà đầu tư được làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh.

Hồng Nhung

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: