Lực lượng quản lý thị trường đã có cố gắng, nhưng nhưng do công cụ, phương tiện thiếu nên nhiều nơi anh em đã phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón. Đây là câu chuyện có thật.
Trả lời của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chiều 17/11 tại phiên chất vấn khiến nhiều ĐBQH sửng sốt và thậm chí lo ngại cho công cuộc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
|
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. |
Là người đầu tiên "đăng đàn", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhận được một loạt câu hỏi liên quan đến phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ khí, chế tạo máy; về điều hành giá điện, xăng; công cuộc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại...
Trước câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương về việc có hay không tình trạng các nhà máy thủy điện lớn hoạt động cầm chừng, trong khi chúng ta lại mua điện của nước ngoài, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định điều này là không có cơ sở. Và không có lý do gì để không khai thác tối đa công suất thiết kế.
"Với thủy điện Hòa Bình, từ khi xây dựng và vận hành đến nay, sản lượng luôn ở mức 9 - 10 tỷ kwh và hầu như năm nào cũng phát đến con số này, không có chuyện cầm chừng. Hay như thủy điện Sơn La, năm nào cũng phát vượt sản lượng thiết kế. Mỗi mỗi năm cũng trên dưới 10 tỷ kwh", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn chứng.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: có những mặt hàng trong nước sản xuất được nhưng hàng lậu vẫn tràn qua biên giới. Và ngay cả ở trong nước cũng sản xuất nhiều hàng giả, hàng nhái... "Từ nay đến năm 2015, Bộ trưởng có cam kết truy quét được tình trạng buôn lậu, hàng giả và cần bao nhiêu lực lượng để làm việc đó?", bà Khá đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, hàng lậu, hàng giả là vấn đè nhức nhối tồn tại nhiều năm. "Cá nhân tôi cũng đã nhận trách nhiệm trong báo cáo gửi các ĐB trước phiên lấy phiếu tín nhiệm", Bộ trưởng Công thương nói và cho biết, các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường đã có nhiều cố gắng nhưng chưa giải quyết được triệt để và trong vấn đề này có trách nhiệm của Bộ Công thương.
Đề cập đến khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng ngoài việc lực lượng mỏng thì còn thiếu về phương tiện, công cụ hỗ trợ nên hiệu quả và việc đánh giá chất lượng chưa cao.
"Như để đánh giá chất lượng phân bón, nhiều nơi anh em đã phải dùng miệng để thử. Đây là câu chuyện có thật", Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, trong quá trình đặt lại câu hỏi, ĐB Nguyễn Thị Khá tỏ ra lo ngại đối với thông tin mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cung cấp. "Bộ trưởng nói, phân bón phải kiểm nghiệm bằng miệng, vậy nếu không phải phân bón mà là thuốc trừ sâu giả thì anh em làm thế nào. Tôi thông cảm với Bộ trưởng, nhưng nếu vậy thì nguy hiểm quá", ĐB tỉnh Trà Vinh nói.
Trước đó, thêm một nguyên nhân khác được người đứng đầu ngành Công thương đưa ra để giải thích cho việc chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng là không loại trừ trong đội ngũ quản lý thị trường cũng có tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, thậm chí bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại... Đồng thời là sự phối hợp giữa các lực lượng tại các địa phương chưa đều.
"Đại biểu Khá hỏi tôi đến bao giờ thì giải quyết được vấn đề này, tôi cũng không dám hứa đến bao giờ nhưng chúng tôi chỉ nói rằng, với sự ra đời của Ban chỉ đạo 389 do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và các phó ban là thủ trưởng các bộ, ngành, trong đó có cán nhân tôi là phó trưởng ban, tôi tin, cuộc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại sẽ có hiệu quả", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay.
Theo Giao thông Vận tải