Phân bổ ngân sách năm 2015: Tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển

Đây là một trong các nguyên tắc được UBND tỉnh nhấn mạnh trong phương án phân bổ ngân sách năm 2015 trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 18.

Tại kỳ họp cuối năm 2013, HĐND tỉnh khoá XII đã thông qua Nghị quyết số 116/NQ-HĐND giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn là 32.491 tỷ đồng, trong đó thu thuế XNK: 18.750 tỷ đồng, thu nội địa: 13.741 tỷ đồng. Dự toán chi ngân sách địa phương là 11.886 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển: 4.155 tỷ đồng, chi thường xuyên: 7.351 tỷ đồng.

Thu từ hoạt động XNK là nguồn quan trọng để đáp ứng chi tiêu ngân sách các cấp. Trong ảnh: Hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu.
Thu từ hoạt động XNK là nguồn quan trọng để đáp ứng chi tiêu ngân sách các cấp. Trong ảnh: Hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu.

Triển khai thực hiện dự toán 2014, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt phấn đấu hoàn thành dự toán thu ở mức cao nhất. Dự kiến số thu NSNN trên địa bàn năm 2014 đạt 33.000 tỷ đồng, bằng 102% dự toán. Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác chỉ đạo, đôn đốc thu NSNN. Dự toán chi ngân sách địa phương năm 2014 là 11.886 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển 4.155 tỷ đồng, chiếm 35%, chi thường xuyên 7.351 tỷ đồng. Ước thực hiện 13.881 tỷ đồng, tăng 17% dự toán. Quá trình điều hành, tỉnh đã dành nguồn tiết kiệm dự toán năm 2013 chuyển sang năm 2014, nguồn dự kiến tăng thu ngân sách năm 2014, nguồn phát hành Trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương bổ sung dự toán để thực hiện các dự án, công trình mang tính chất động lực. Ước thực hiện chi đầu tư phát triển cả năm 2014 đạt 6.003 tỷ đồng, chiếm 45% tổng chi ngân sách địa phương. Về chi thường xuyên, ước thực hiện 7.545 tỷ đồng, bằng 103% dự toán.

Phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh và dự toán ngân sách địa phương năm 2015 được UBND tỉnh xây dựng trên các nguyên tắc cụ thể. Về số thu, thu XNK, dự toán giao bằng với số thu Trung ương giao cho tỉnh là 19.800 tỷ đồng. Về thu nội địa, Bộ Tài chính giao dự toán thu năm 2015 cho tỉnh là 16.015 tỷ đồng (trừ thu từ TKV và đất, các chỉ tiêu thu được giao tăng từ 14% trở lên). Trên cơ sở rà soát tất cả các nguồn thu thực tế của địa phương, UBND tỉnh xây dựng dự toán thu nội địa là 18.826 tỷ đồng, tăng 5% so dự toán Bộ Tài chính giao, số tuyệt đối là 811 tỷ đồng, gồm: Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tăng 260 tỷ đồng; phí, lệ phí tăng 230 tỷ đồng từ thu phí phương tiện sử dụng hạ tầng khu kinh tế; thu tiền sử dụng đất tăng 178 tỷ đồng; thu tiền thuê đất tăng 13 tỷ đồng; các khoản thu Bộ Tài chính không tính cân đối ngân sách là 130 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu NSNN trên địa bàn là 36.626 tỷ đồng (Trung ương giao 35.815 tỷ đồng).

Về dự toán chi ngân sách, nguyên tắc quan trọng là tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách địa phương theo hướng ưu tiên cho con người, đảm bảo chi an sinh xã hội; tiết kiệm chi thường xuyên ở mức tối đa để dành nguồn lực bố trí chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công, ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng điểm, động lực đã hoàn thành. Đặc biệt, các loại hình dịch vụ nào mà xã hội, doanh nghiệp làm được thì cần chuyển giao để tự đảm bảo kinh phí hoạt động, NSNN không hỗ trợ như các năm qua. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm hỗ trợ từ ngân sách. NSNN chỉ hỗ trợ khi các đơn vị sự nghiệp trên cung cấp được các dịch vụ công theo yêu cầu của tỉnh. Đáng chú ý là các địa phương thực hiện Đề án 25 được Tỉnh uỷ phê duyệt, số kinh phí tiết kiệm được sẽ để lại cho ngân sách cấp huyện chi hỗ trợ các đối tượng trong diện tinh giản biên chế và dành nguồn chi đầu tư phát triển.

Theo các nguyên tắc trên và căn cứ số thu, tổng chi ngân sách năm 2015 là 15.591 tỷ đồng; chi cân đối ngân sách địa phương là 14.711 tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển là 7.209 tỷ đồng, chi thường xuyên là 7.898 tỷ đồng, dự phòng ngân sách 384 tỷ đồng, chi bù lỗ cung ứng dịch vụ công ích 50 tỷ đồng, chi bổ sung dự trữ tài chính 1,6 tỷ đồng.

Để thực hiện được dự toán nêu trên, UBND tỉnh đã xây dựng 8 nhóm giải pháp điều hành ngân sách, trong đó đặt lên hàng đầu là tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của Ban Chỉ đạo tăng cường điều hành thu chi ngân sách từ tỉnh đến các địa phương, tăng cường giám sát thu ngân sách của cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền. Tỉnh sẽ tiếp tục tiết kiệm triệt để chi tiêu công, từ khâu phân bổ dự toán, cấp phát, thanh toán; không bổ sung kinh phí để mua sắm tài sản, phương tiện làm việc, phương tiện vận tải đắt tiền từ NSNN...

Ngọc Hà

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: