"Đòn bẩy" mới cho phát triển nông nghiệp

Những năm qua, nông nghiệp của Quảng Ninh đã có sự phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, so với tiềm năng sự phát triển này chưa tương xứng bởi sản xuất còn manh mún, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới còn chậm, quy mô và hiệu quả sản xuất thấp.

Đặc biệt, giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, sản lượng không ổn định; sản phẩm tiêu thụ mới dừng ở dạng thô, giá trị thấp, việc xúc tiến thương mại trong tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang gặp khó khăn về kết cấu hạ tầng, điện, nước, giao thông, mặt bằng sản xuất mặc dù số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thấp.

Công ty CP Nấm Thịnh Phát (Hoành Bồ) đầu tư sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu bước đầu đem lại hiệu quả.
Công ty CP Nấm Thịnh Phát (Hoành Bồ) đầu tư sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu bước đầu đem lại hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì Quảng Ninh không có giải pháp nào khác là phải điều chỉnh về cơ cấu phát triển, tổ chức và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất nông nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc tỉnh phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp chính là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định việc dẫn dắt sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị, để nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành và nhu cầu thị trường. Để làm được điều đó, tỉnh đã rà soát, nghiên cứu các chính sách của Trung ương về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại... Đồng thời căn cứ vào tình hình đặc thù địa phương và tham khảo một số chính sách khuyến khích phát triển của các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Quảng Ninh. Dự thảo nêu rõ các nội dung: Điều kiện hỗ trợ đầu tư và nguyên tắc hỗ trợ đầu tư, đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp tỉnh đến năm 2020; dự án có quy mô, công suất tối thiểu đảm bảo nguyên tắc phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và hướng đến sản xuất theo quy mô lớn, sử dụng lao động tại địa phương; dự án nằm trong quy hoạch UBND tỉnh quy hoạch, phê duyệt; ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư; phần vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước được coi như phần vốn đối ứng của doanh nghiệp, Nhà nước bảo lãnh phần vốn này khi doanh nghiệp vay vốn đầu tư từ ngân hàng thương mại để thực hiện dự án đó; trong cùng một nội dung hỗ trợ, nếu có nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn, áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất; doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ một dự án với mức hỗ trợ cao nhất nếu doanh nghiệp đó có nhiều dự án sản xuất kinh doanh một loại sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chính sách này, doanh nghiệp được hỗ trợ như: Hỗ trợ san lấp mặt bằng, thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu và chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ; hỗ trợ phát triển vùng trồng trọt tập trung, cây dược liệu, trồng rừng; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư chế biến gỗ rừng trồng; hỗ trợ đầu tư sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản; hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến nhựa thông, chế biến dược liệu, sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm từ dược liệu, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản, đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu khai thác hải sản xa bờ. Hàng năm dành một khoản từ 2-5% tổng số chi từ ngân sách tỉnh để thực hiện hỗ trợ đầu tư theo quy định của Chính phủ. 

Ngoài những nội dung trên, để chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Quảng Ninh đến năm 2020 đạt hiệu quả, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh quy định các nội dung cụ thể (quy mô dự án đầu tư sản xuất, trình tự thủ tục, hồ sơ mẫu biểu...) và tổ chức triển khai thực hiện.

Hy vọng nếu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh như nói trên đi vào thực thi, sẽ tạo thuận lợi và bước đột phá mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nông nghiệp ở địa phương ngày càng ổn định và không ngừng phát triển.

Tuấn Hương

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: