Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm": Cần sớm khắc phục những hạn chế

Sau 2 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) ngày càng khẳng định được thương hiệu và trở thành nét riêng của Quảng Ninh, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình OCOP cũng đang tồn tại không ít hạn chế cần sớm khắc phục

Kẹo lạc hồng của huyện Tiên Yên hiện vẫn chưa đăng ký công bố chất lượng, quy trình sản xuất vẫn hoàn toàn thủ công, không đảm bảo ATVSTP và ATLĐ. Ảnh: Lý Thắng (CTV)
Kẹo lạc hồng của huyện Tiên Yên hiện vẫn chưa đăng ký công bố chất lượng, quy trình sản xuất vẫn hoàn toàn thủ công, không đảm bảo ATVSTP và ATLĐ. Ảnh: Lý Thắng (CTV)

Điểm nhấn của nông thôn mới

Là một chương trình chưa có tiền lệ về phương pháp luận, về cơ chế chính sách, chưa có mô hình hiệu quả để học tập trong nước, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh đã phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học tập các chuyên đề quốc tế về phong trào OTOP, OVOP tại các nước: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, xem xét đánh giá lại hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã và đang triển khai trong giai đoạn trước năm 2012. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn đó, UBND tỉnh quyết định triển khai thực nghiệm chương trình trong giai đoạn 2013-2016 theo hướng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Mục tiêu chính đặt ra trong giai đoạn này là phát triển sản xuất kinh doanh cho 40-60 sản phẩm truyền thống, đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh; nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị của 20-30 sản phẩm truyền thống có tiềm năng và khả năng phát triển theo hướng thương mại hoá có quy mô trung bình và lớn; hình thành 10-15 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu 10-15 tổ chức kinh tế đã có để phát triển và thương mại hoá sản phẩm truyền thống; hình thành hệ thống hỗ trợ xúc tiến và quảng bá sản phẩm. Chương trình cũng xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Chủ trương đúng đắn này ngay lập tức được các địa phương “bắt nhịp” kịp thời và triển khai sâu rộng đến người dân, trở thành điểm nhấn quan trọng để nâng cao chất và lượng của chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Sau 2 năm, đến nay chương trình đã thành lập được hệ thống tổ chức (Ban Điều hành OCOP) ở cấp tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố; xây dựng được kế hoạch tổng thể giai đoạn 1 (2013-2016); ban hành được Bộ công cụ quản lý chương trình; xác định được và phân tích lợi thế cạnh tranh của 65 sản phẩm, nhóm sản phẩm để thực hiện giai đoạn 1; có 104 đơn vị tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia và sản xuất sản phẩm; xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm OCOP cấp tỉnh tại TX Đông Triều, các trung tâm OCOP cấp huyện tại Hoành Bồ, Bình Liêu, Hải Hà, Quảng Yên. Đặc biệt, thông qua các hội chợ, sản phẩm OCOP đã trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh, nhận được sự ủng hộ của người dân và du khách.

Nhiều kệ hàng tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh Xuân 2016, sản phẩm được trưng bày khá lèo tèo. Trong ảnh: Gian hàng OCOP của TX Quảng Yên.
Nhiều kệ hàng tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh Xuân 2016, sản phẩm được trưng bày khá lèo tèo. Trong ảnh: Gian hàng OCOP của TX Quảng Yên.

Còn không ít thách thức

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, chương trình OCOP hiện tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, khiến cho hiệu quả chưa đạt kế hoạch đặt ra. Khó khăn đầu tiên là hệ thống tổ chức OCOP từ tỉnh đến huyện mới bước đầu được hình thành, còn thiếu và chưa chuyên nghiệp. Ở cấp tỉnh, hiện mới chỉ có 1 cán bộ kiêm nhiệm, chưa có bộ phận chuyên trách OCOP, dẫn đến quá tải trong công việc. Ở cấp huyện, chưa bố trí được cán bộ chuyên trách, dẫn đến các hoạt động chậm được triển khai. Bên cạnh đó, việc triển khai OCOP theo chu trình thường niên, dù đã được ban hành, nhưng chưa được các địa phương triển khai nghiêm túc. Đơn cử như: Từ tháng 1 đến tháng 3, các địa phương phải tiến hành  tuyên truyền hướng dẫn, từ tháng 3 đến tháng 5 nhận ý tưởng sản phẩm, từ tháng 6 đến tháng 12 nhận kế hoạch và triển khai kế hoạch kinh doanh. Thế nhưng năm 2014, cả tỉnh không có một địa phương nào thực hiện đúng theo quy trình này; năm 2015 chỉ có 2 địa phương thực hiện là Đầm Hà và Hải Hà. Một số địa phương hiện đã phát triển sản phẩm mới, nhưng không đăng ký với Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh. Việc không thực hiện theo đúng quy trình sẽ dẫn đến phát triển các sản phẩm một cách tự do, không có định hướng, không có thẩm định của chuyên gia, gây lãng phí tiền hỗ trợ của Nhà nước và thiếu tính bền vững.

Bên cạnh đó, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các HTX, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh còn thấp, dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm không cao, cung không đủ cầu, như: Khau nhục, bánh gật gù (Tiên Yên), măng tây (Móng Cái), ổi (Hoành Bồ), mực ống (Cô Tô), nem chua (Quảng Yên)... Thế nên các trung tâm OCOP sau khai trương chỉ trưng bày lèo tèo một vài sản phẩm, nhiều kệ hàng bỏ trống. Tại hội chợ OCOP gần đây nhất (tháng 2 vừa qua), một số sản phẩm không đăng ký OCOP, nhưng vẫn dán nhãn OCOP làm ảnh hưởng đến thương hiệu OCOP và khiến cho  người tiêu dùng thất vọng, như: Si rô chanh đào (Hải Hà); mật ong, bánh gio (Tiên Yên); ổi, nấm sò, tinh dầu xả (Hoành Bồ); bánh chưng, bánh cốc mò (Ba Chẽ)... Một số địa phương xuất hiện một số doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm của người dân rồi đóng mác bao bì sản phẩm của chính doanh nghiệp này để hưởng lợi nhuận như một đơn vị bao tiêu, làm thay vai trò của các Trung tâm OCOP. Trong khi đó, đây không phải là mục tiêu chính mà chương trình hướng đến.

Trao đổi với chúng tôi về những hạn chế mà chương trình đang gặp phải, ông Ngô Tất Thắng, Phó Ban Chuyên trách Ban Điều hành OCOP tỉnh, cho biết: OCOP là một chương trình mở, không đóng khuôn và chưa có tiền lệ, lại tập hợp nhiều dự án thành phần ở nhiều lĩnh vực trong một dự án cụ thể. Thời gian tới, Ban Điều hành OCOP tỉnh tiếp tục tuyên truyền và truyền thông chương trình; hoàn thiện hệ thống tổ chức; hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm; xây dựng hệ thống trung tâm OCOP. Tỉnh sẽ tổ chức hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP vào cuối tháng 4 tới, sản phẩm nào không đạt và không thực hiện theo tiêu chí đặt ra sẽ bị loại và đưa ra khỏi “cuộc chơi”. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc, hỗ trợ của tỉnh, các địa phương khi triển khai chương trình không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân.

Hoàng Nga

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin cũ hơn: