"Tiếp sức" cho cam Sen

Bên cạnh chè Vân, cam Sen là một trong những giống quý, thơm ngon nức tiếng từ xưa ở Vân Đồn. Nay cam Sen được quan tâm bảo tồn, nhân rộng và phát triển thành sản phẩm OCOP với thương hiệu cam Vân Đồn. Mặc dù vậy, việc phục hồi và phát triển thương hiệu sau trận mưa lụt lịch sử hồi giữa năm 2015 với giống cam quý này vẫn còn nhiều khó khăn.

Chăm sóc cam Sen ở thôn Nà Na, xã Bản Sen.
Chăm sóc cam Sen ở thôn Nà Na, xã Bản Sen.

Cam Sen là giống cam ngon, có hình dáng giống quả cam sành hoặc cam Bố Hạ (Bắc Giang) nổi tiếng phía Bắc. Nhiều người còn cho rằng cam Sen ngon hơn. Cam Sen khi chín có màu đỏ vàng, vỏ bóng, mọng trông rất ngon mắt, bổ ra nước cam vàng sánh như màu mật ong, ăn rất ngọt.

Tuy nhiên, hầu hết người dân Bản Sen không nắm được nguồn gốc giống cam quý này, chỉ biết đây là giống cam bản địa, có hàng trăm năm nay. Cam Sen được trồng ở các thôn Đồng Gianh, Bản Sen, Nà La, Đông Lĩnh, Yên Xá… với khoảng 150-200 hộ trồng. Trồng ở các thôn có áng hoặc bao quanh bởi núi đá như: Bản Sen, Đồng Gianh thì cam phát triển tốt, thơm ngon hơn.

Theo lý giải của những lão nông trồng cam lâu năm, thì sở dĩ giống cam này có hương vị thơm ngon đặc biệt là vì hợp với thổ nhưỡng, lại được trồng ở sát khu vực núi đá. Các thôn có núi đá vôi bao quanh, hình thành những vùng như thung lũng, đất nhiều chất mùn, độ ẩm cao. Trải qua thời gian, mưa gió làm cho chất ở đá vôi tiết ra hoà vào đất. Cây cam trồng trên đất này rất thơm, ngọt như những vùng trồng cam ở Tuyên Quang, Hà Giang...

Không những được ưu đãi về địa lợi, người dân Bản Sen rất cần cù, chịu khó đúc rút kinh nghiệm dân gian, tiếp thu kỹ thuật mới trong chăm sóc cây cam. Để có giống cam ngon, nhiều hộ gia đình còn chịu khó chế biến phân bón từ phân tổng hợp với phân gà, phân trâu để bón tăng chất cho đất. “Thông thường cam Sen trồng khoảng 5 năm thì cho thu hoạch. Thế nhưng để đảm bảo cây khoẻ, ra nhiều trái, những vụ cam đầu tiên người dân không thu hoạch mà vặt bỏ trái từ sớm để mùa sau cây sẽ khoẻ, ra trái to, ngon và bền trong nhiều vụ. Nhờ vậy, nhiều cây cam trưởng thành mỗi vụ có thể cho từ 50 đến 70kg quả/cây. Mỗi vụ các hộ trồng cam có thể thu về khoảng 100 triệu đồng/ha”, chị Phạm Thị Liền (thôn Nà Sắn, xã Bản Sen) hộ gia đình trồng cam trên 20 năm, qua nhiều thế hệ, cho biết.

Tuy nhiên, trước những năm 2005, giống cam này không được người dân chú trọng phát triển do giống dần thoái hoá, người dân tập trung cho mô hình hiệu quả kinh tế cao hơn như nuôi trồng hải sản, trồng keo… Để bảo tồn giống quý hiếm này, năm 2005, Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn đã cho triển khai dự án bảo tồn và phát triển giống cam Sen, tuy nhiên không đem lại hiệu quả cao. Năm 2013, huyện Vân Đồn lại tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện Dự án phục tráng cây cam Sen bằng cách lựa chọn số lượng cây giống tốt để lai tạo bằng phương pháp ghép mắt, chọn các cây đầu dòng tiếp tục nhân giống các cây ưu tú và cây giống cấp một phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, cây cam Sen được phát triển nhân rộng với cây giống khoẻ mạnh, kỹ thuật chăm sóc tốt.

Ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Năm 2014, cam Sen được đăng ký vào chương trình OCOP của tỉnh với thương hiệu chung Cam Vân Đồn. Đồng thời huyện tập trung nhân giống phát triển vùng trồng chuyên canh. Huyện cũng đã quy hoạch chi tiết vùng sản xuất cam tập trung tại các xã Vạn Yên, Bản Sen, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên với diện tích đến năm 2020 phấn đấu đạt khoảng 610ha, sản lượng đạt trên 3.200 tấn/năm. Thế nhưng sau ảnh hưởng của trận mưa lụt lịch sử thì phần lớn diện tích cam Sen bị hư hại nặng. Hiện huyện Vân Đồn đang khẩn trương hỗ trợ phục hồi trên 12ha cam, cấp trên 7.000 cây giống ghép mắt cam Sen cho các hộ dân ở Bản Sen. Đồng thời, tích cực vận động người dân địa phương nâng cao nhận thức, thành lập các tổ hợp, hợp tác xã để hướng tới sản xuất hàng hoá, xây dựng một cách quy củ để phát triển thương hiệu cam Sen về lâu dài.

Tạ Quân

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: