Chợ "cóc" và những hệ lụy

Mặc dù hiện nay, hệ thống chợ, trung tâm thương mại không ngừng được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Thế nhưng, tình trạng chợ cóc vẫn “mọc” tràn lan khắp đường phố, ngõ ngách, khu dân cư mà chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Chúng tôi có mặt tại chợ Hạ Long 2 (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) lúc 17h. Thật không khó để nhận thấy khung cảnh lộn xộn xung quanh chợ. Dọc tuyến đường Tô Hiến Thành, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai... (phường Yết Kiêu) có tới hàng trăm tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi để xe và kinh doanh đủ loại hàng hoá. Chưa kể vào tầm cuối buổi chiều hoặc buổi sáng sớm, người mua, kẻ bán tràn cả xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông, mất trật tự đô thị.

Các tiểu thương thản nhiên bày bán hàng hoá ở vỉa hè bất chấp đã có biển cấm. (Ảnh chụp ngày 1-6-2015 tại phố Lê Lai, đoạn qua khu phố 2, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long)
Các tiểu thương thản nhiên bày bán hàng hoá ở vỉa hè bất chấp đã có biển cấm. (Ảnh chụp ngày 1-6-2015 tại phố Lê Lai, đoạn qua khu phố 2, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long)

Không chỉ xung quanh khu vực chợ Hạ Long 2, tình trạng chợ cóc có ở khắp đường phố, ngõ ngách, khu dân cư. Dạo một vòng quanh TP Hạ Long, tình trạng chợ cóc tự phát hầu như ở khu nào cũng có. Chợ cóc ngay sát văn phòng Hội Nhà báo tỉnh (khu vực Cột 3, phường Hồng Hải), chợ cóc Cơ khí (phường Hồng Gai), chợ cóc ở khu Yết Kiêu… Tóm lại ở đâu có khu dân cư, ở đó có chợ cóc. Việc người dân biến vỉa hè, lòng đường thành chợ diễn ra khá phổ biến, gây mất mỹ quan đô thị, nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu nào từ phía cơ quan chức năng.

Ngoài một chút lợi ích nho nhỏ là đem lại sự thuận tiện cho một bộ phận người dân, thì việc tràn lan chợ cóc đã gây ra những bất cập, hệ lụy không hề nhỏ. Tình trạng biến vỉa hè, lòng đường thành chợ đã  gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các khu vực này. Việc các tiểu thương ngang nhiên bày bàn ghế, thúng mẹt, hàng hoá ngay dưới lòng đường, vỉa hè dọc hai bên đường; người mua thì tuỳ tiện dừng, đỗ xe đạp, xe máy để mua hàng đã tạo ra bức tranh giao thông vô cùng lộn xộn. Việc hình thành các chợ cóc còn tạo ra sự bất bình đẳng cho hộ kinh doanh trong chợ, gây thất thoát nguồn thuế của Nhà nước. Bên cạnh đó do tính chất tự do, không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng, cho nên hàng hoá kinh doanh ở chợ cóc, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chưa kể do họp chợ không đúng quy định, hoạt động trái phép nên các chợ cóc không có điểm thu gom rác, chính vì vậy các tiểu thương kinh doanh tại đây “tiện đâu vứt đấy” khiến cho mặt đường lúc nào cũng nhớp nháp, ẩm ướt, mất vệ sinh môi trường. Và vấn nạn 3 “không”: “Không nước sạch”, “không thoát nước” và “không thùng rác” là cảnh thường thấy.

Mục sở thị chợ cóc tại tổ 4, khu 6, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, chợ chỉ họp khoảng từ 5h-8h hàng ngày trên nền một bãi đất trống. Chợ có khoảng 50 tiểu thương kinh doanh từ quần áo tới hoa quả, dịch vụ ăn uống, thực phẩm tươi sống. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi các khu chế biến gia cầm sống, thuỷ hải sản tươi sống, dịch vụ ăn uống tại chỗ, thực phẩm nấu chín… nằm xen kẽ lẫn nhau. Các hàng ăn chín, sống được bày bán lẫn lộn, khiến cho ruồi muỗi đậu vào gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng vệ sinh thực phẩm. Do không có ki-ốt bán hàng cố định nên các hộ kinh doanh đã dùng những miếng bìa các tông, bao dứa trải... ngay dưới nền đất để bán hàng. Chưa kể do chợ họp ở bãi đất trống, nền chợ thấp, đầy ổ gà, ổ voi nước thải ứ đọng thường xuyên gây nên tình trạng nhớp nhúa, mất vệ sinh. Tình trạng giết mổ gia cầm, cá sống trong chợ vẫn đang phổ biến. Hàng thực phẩm chín như chả cá, giò, nem không có tủ kính che đậy, bụi bặm bay vào rất mất vệ sinh. Thậm chí nhiều chợ cóc chỉ có chục người bán, thịt cá được bày trên những tấm bìa các tông bẩn thỉu và có trời mới biết nguồn gốc của thực phẩm từ đâu. Không chỉ ở TP Hạ Long mà ở các thành phố, thị xã khác trên địa bàn tỉnh như Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên cũng có tình trạng tràn lan chợ cóc, một số địa phương như Quảng Yên còn xảy ra tình trạng chợ cóc bao vây phong toả, khiến chợ chính không hoạt động được vì không có người vào kinh doanh. Đơn cử như chợ Cốc, phường Phong Cốc, TX Quảng Yên được đầu tư hàng chục tỷ đồng song sau hơn một năm đi vào hoạt động vẫn “vắng như chùa bà Đanh”…

Mặc dù, thời gian qua các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã ra quân dẹp bỏ, giải toả chợ cóc, nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể. Chợ cóc ở khu vực này được giải toả thì lại mọc lên chợ cóc ở khu vực khác. Vì vậy, đã đến lúc, các ngành chức năng cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý chợ cóc.

Cao Quỳnh

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: