Xây dựng giá đất 5 năm (2015-2019): Điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ. Như vậy, giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được ban hành vào năm 2015 cho cả giai đoạn 2015-2019. Đây là nội dung được HĐND tỉnh đưa ra bàn thảo tại kỳ họp lần này.

Xây dựng, điều chỉnh giá đất năm 2015 phù hợp với thực tiễn ở địa phương. (Ảnh chụp tại khu vực đường bao biển Cột 8, TP Hạ Long)
Xây dựng, điều chỉnh giá đất năm 2015 phù hợp với thực tiễn ở địa phương. (Ảnh chụp tại khu vực đường bao biển Cột 8, TP Hạ Long)

Quảng Ninh có diện tích tự nhiên là 610.000ha. Trong đó đất nông nghiệp gần 462.000ha, đất phi nông nghiệp gần 86.000ha, đất chưa sử dụng trên 62.700ha. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và trong thời gian thực hiện, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh giá đất cho phù hợp. Theo dự báo của tỉnh thì năm 2015 và trong một vài năm tới giá đất vẫn ổn định nên phương án giá đất năm 2015 của tỉnh được xây dựng trên cơ sở kế thừa bảng giá đất của năm 2014. Theo tờ trình của UBND tỉnh về “Phương án giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo Luật Đất đai năm 2013 thực hiện từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2019”, thì giá đất năm 2015 chủ yếu điều chỉnh tăng tại các địa bàn nâng cấp đô thị như: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều và một số địa phương trước đây đã quy định hết khung giá tối đa. Đối với các địa phương khác cơ bản chỉ điều chỉnh giá một số vị trí có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất, loại đường phố, khu vực có đầu tư nâng cấp công trình kết cấu hạ tầng. Cũng theo tờ trình thì, giá đất ở đô thị toàn tỉnh điều chỉnh tăng ở 2.250 vị trí, khu vực và bổ sung giá ở 77 vị trí, khu vực. Mức giá cao nhất đối với đất ở đô thị là 43 triệu đồng/m2 (thuộc vị trí khu vực Quảng trường chợ Hạ Long I, TP Hạ Long) và mức giá thấp nhất là 100.000 đồng/m2 (các vị trí còn lại của thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ). Đối với đất ở nông thôn, điều chỉnh tăng 788 vị trí, khu vực và bổ sung giá 237 vị trí, khu vực. Mức giá cao nhất trong phương án này là 8 triệu đồng/m2 tại ví trí 38 bám đường tỉnh lộ 335, xã Hải Xuân (TP Móng Cái) và mức thấp nhất là 50.000 đồng/m2 thuộc các vị trí còn lại có điều kiện khó khăn của xã Quảng Sơn của thành phố. Những phương án này được xây dựng đảm bảo nguyên tắc trong khung giá đất Chính phủ cho phép và so sánh với các tỉnh lân cận.

Đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có phương án cụ thể là: Đất thương mại dịch vụ tại đô thị và đất thương mại dịch vụ tại nông thôn tính bằng 60% giá đất ở cùng vị trí, khu vực (bằng giá đất năm 2014). Đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ tính bằng 50% giá đất ở cùng vị trí, khu vực (giảm 10% so với quy định hiện nay). Sở dĩ giảm đối với đất sản xuất phi nông nghiệp nhằm phù hợp với thực tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh. Đối với các địa phương có khu công nghiệp thì có giá đất cụ thể từng khu và thống nhất một giá trong một khu công nghiệp.

Phương án giá đất nông nghiệp năm 2015 được điều chỉnh tăng 10% so với bảng giá đất năm 2014. Riêng giá đất rừng điều chỉnh mức cao nhất từ 5.200 đồng/m2 lên 8.500 đồng/m2, mức giá thấp nhất từ 2.500 đồng/m2 lên 4.000 đồng/m2; đất đầm ven biển điều chỉnh giá cao nhất từ 6.000 đồng/m2 lên 22.000 đồng/m2, thấp nhất từ 4.500 đồng/m2 lên 10.000 đồng/m2. Đối với đất ao vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà ở không được công nhận đất ở tính bằng 150% mức giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm cao nhất trong cùng phường, xã, thị trấn. Đất nông nghiệp trong khu dân cư thị trấn, khu dân cư nông thôn, trong phạm vi địa giới hành chính phường được tính bằng 120% mức giá đất nông nghiệp cùng loại cao nhất trong cùng phường, xã, thị trấn...

Giá đất năm 2015 của tỉnh được xây dựng, điều chỉnh trên cơ sở phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế và thực tiễn tại địa phương; đảm bảo không gây xáo trộn, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án dở dang và ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tạo điều kiện tốt để thu hút đầu tư và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Nguyễn Huế

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: