Sẽ thu phí tự động toàn hệ thống đường bộ

Trước mắt sẽ áp dụng với Quốc lộ 1. Cách thu phí này sẽ giúp quản lý chặt chẽ toàn bộ lượng xe, số tiền DN thu được…

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về việc thu phí đường bộ, đại biểu Bạch Thị Hương thủy (đoàn Hòa Bình) đặt vấn đề: hiện Bộ GTVT đang đầu tư các dự án BOT toàn tuyến quốc lộ 1. Sau khi các dự án này hoàn thành đưa vào khai thác sẽ xuất hiện nhiều trạm thu phí. Xin Bộ trưởng cho biết, việc thành lập các trạm thu phí BOT trên các quốc lộ có đúng không và khoảng cách giữa các trạm có đảm bảo qui định không? Bộ lên phương án thế nào để đảm bảo việc theo dõi, quản lý số phí thu được sử dụng đúng mục đích nhằm hạn chế thất thoát, tiêu cực và tạo điều kiện cho phương tiện qua lại nhanh chóng?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Để thực hiện việc thu phí nhanh nhất, tránh được thất thoát, lãng phí, giảm được thời gian, hiện nay chúng tôi xây dựng đề án thu phí không dừng (thu phí tự động). Toàn bộ dự án này thực hiện trên tuyến Quốc lộ 1 sau đó là đường Hồ Chí Minh và toàn bộ hệ thống đường bộ sẽ được kết nối thu phí tự động. Cách thu phí này sẽ giúp quản lý chặt chẽ toàn bộ lượng xe, số tiền DN thu được. Các nhà đầu tư BOT cũng “ngán” chuyện này vì không giấu được doanh thu và do đó không trốn thuế được. Việc xây dựng đề án thu phí tự động sẽ góp phần đảm bảo thời gian đi lại của phương tiện nhanh hơn cũng như giúp nhà quản lý được an toàn giao thông, xử phạt, kiểm soát tải trọng phương tiện.

“Sau này sẽ bớt người trên đường nhưng sẽ kiểm soát được hết tất cả các vấn đề yêu cầu quản lý” – Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 6 tỷ USD, thời gian thi công trong 2 năm. Nguồn lực dành cho công trình này chỉ được 1 nửa, số còn lại huy động vốn ngoài xã hội. Việc phải huy động vốn ngoài xã hội cũng là yếu tố quyết định việc nâng cấp cải tạo quốc lộ 1 qua Tây Nguyên thành công.

Tiền đầu tư, DN phải vay ngân hàng, vì thế phải thu phí để hoàn vốn. Mức phí này phải thực hiện theo qui định và cự ly giữa các trạm thu phí cũng phải đảm bảo theo qui định của Bộ Tài chính (tối thiểu cách nhau 70km).

Đại biểu Hương Thủy tiếp tục chất vấn: “Mức thu phí đường bộ và đường cao tốc hiện nay có cao không” Bộ trưởng có thể cung cấp số liệu sơ bộ về hiệu quả sử dụng đường cao tốc so với tuyến đường quốc lộ cũ?”.

Về mức thu phí, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Phải theo qui định cua Pháp luật, cụ thể Thông tư của Bộ Tài chính qui định khung giá chứ không phải muốn thu bao nhiêu thì thu. Mức thu phí này phụ thuộc vào tổng mức đầu tư dự án, thời gian thu vốn, lưu lượng xe… trên cơ sở đó, các cơ qua thẩm quyền của Nhà nước (có thể là Bộ GTVT, địa phương) ký hợp đồng với nhà đầu tư trên cơ sở đó qui định mức thu phí”.

Mức thu phí này cao hay thấp? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn chứng: Vừa rồi, tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai đưa vào khai thác, lúc đầu có ý kiến cho rằng quá cao. Thực tế, sau khi trao đổi với Hiệp hội vận tải, với các DN thì họ tính toán, thời gian rút đi còn một nửa trước đây, đi đường 70 tuyến Hà Nội - Lào Cai mất 7-8 tiếng giờ rút được thời gian một nửa. Chi phí cũng giảm 30% (chi phí xăng dầu, khấu hao, sửa chữa).

Tuyến đường này thẳng, an toàn hơn. Ví dụ, trước đây tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai mua vé rất khó, rất đông người đi. Nhưng từ khi có tuyến đường này thì khách đi tàu giảm một nửa. Chúng tôi lập ngay phương án kết nối các phương án vận tải, tăng cường đuôi tàu chở quặng. “Chi phí giảm, an toàn hơn, thời gian nhanh hơn. Ai đi quốc lộ 70 trước đây bị say xe thì nay có thể nghe nhạc, làm thơ” – Bộ trưởng cho biết.

Theo VOV
 

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: