Áp lực tăng giá điện đã đỡ hơn |
Tại cuộc họp báo mới đây, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết cục này và Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã trao đổi một số phương án điều chỉnh giá điện trong năm 2015.
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên bên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói dù quy định là nếu mức tăng giá điện từ 7% trở lên sẽ do Thủ tướng quyết định nhưng thực tế, nếu tăng 5%, EVN đã phải xin ý kiến vì giá điện có những tác động xã hội. Đẩy mạnh cổ phần hóa * Thưa Phó thủ tướng, sức ép tăng giá điện trong thời gian tới sẽ rất lớn do giá than, giá khí… bán cho điện đã tăng khá nhiều, liệu giá điện tăng đợt tới sẽ ở mức cao? - Không thể nói trước được nhưng trong điều chỉnh giá điện có các yếu tố đầu vào và đặc biệt là tỷ giá. Ngành điện chịu sức ép tỷ giá rất lớn vì vay nước ngoài nhiều. Trong quy định của Thủ tướng hiện nay, dù điều kiện về chi phí đã đủ, nhưng điều kiện xã hội chưa đủ thì (muốn tăng giá điện) cũng phải xin phép Thủ tướng. Anh không thể tự động được. Anh vẫn bị kiểm soát. Quy định là 7% tăng thì phải xin phép Chính phủ nhưng thực ra tăng dưới 5% là đã phải xin rồi. Xin một cấp từ Bộ Công thương thì bộ này cũng phải xem cẩn thận. * Ngân hàng Thế giới vừa khuyến cáo EVN phải tăng giá điện để đáp ứng nhu cầu đầu tư rất lớn, theo Phó thủ tướng khuyến cáo này có cơ sở thực tế không? - Ngành điện là ngành sử dụng vốn nhiều nhất trong các ngành kinh tế. Trước đây luôn chiếm khoảng 10 - 12% đầu tư phát triển toàn xã hội. Riêng năm 2014, đầu tư trên 100.000 tỉ đồng, lớn nhất từ trước đến nay. Thế nhưng vẫn chỉ là "bóc ngắn cắn dài", chưa đáp ứng nhu cầu đề ra. Trong các giai đoạn quy hoạch phát triển điện, tính ra mỗi năm cần phải đầu tư, bổ sung thêm 4.000 MW nguồn điện. Tính sơ sơ cũng 8 tỉ USD. Điện hạt nhân nếu làm cũng gần 10 tỉ USD. Vốn phản ánh vào đâu, lại vào giá thôi. * Nhưng phải có giải pháp nào khác chứ làm sao có thể để EVN tăng giá điện mãi được? - Chính phủ cũng đã nhìn thấy, nếu chỉ EVN đứng ra thì toàn bộ gánh nặng vốn dồn vào đây, làm cho tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tăng lên. Như thế anh cứ phải tăng giá đuổi theo để đáp ứng nợ. Bước đường còn rất dài, mà cứ chất tải lên thì giá điện đến lúc sẽ vượt qua khả năng chịu đựng của xã hội. Cho nên, từ năm 2005, Quốc hội đưa ra luật Điện lực, yêu cầu cạnh tranh, đẩy mạnh cổ phần hóa để giảm tải cho EVN. Đưa "ông" than (Tập đoàn than VN) gánh ít, "ông" dầu khí (Tập đoàn dầu khí VN) gánh ít, "ông" tư nhân ngoài gánh ít. Hiện nay, tỷ lệ tư nhân trong ngành điện đã 37% rồi. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng. Không hiệu quả là chết * Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nói sau năm 2015 thì giá điện có thể tăng, có thể giảm. Nhưng thực tế, giá điện chưa giảm mà chỉ có tăng?
- Đúng. Trong ngắn hạn là giá điện khó giảm. Nhưng như tôi nói, áp lực tăng giá điện đã đỡ hơn chút vì tải được san ra. Tốc độ tăng giá điện sẽ không cao bằng việc cứ để một "ông" gánh. “Room” cho việc tăng giá điện không còn nhiều. Giá điện hiện nay tính theo USD vào khoảng 7,2 - 7,3 cent/kWh. Khi lập quy hoạch phát triển điện, ta tính chi phí biên dài hạn là khoảng 9 cent/kWh. Thế anh có tăng kiểu gì đi nữa, anh cũng chỉ còn được 1,7 cent nữa thôi. Anh mà không quay về vấn đề hiệu quả, cạnh tranh là anh chết. * Nói EVN phải đẩy mạnh cổ phần hóa để giảm tải nhưng mấy tổng công ty lớn của EVN cổ phần hóa cũng không dễ vì quy mô quá lớn trong khi kinh doanh lại thua lỗ? - Không có gì khó. Mình làm từng bước. Nguồn lực trong dân còn lớn, vấn đề phải có cơ chế hấp dẫn. Lợi nhuận ngành điện còn hấp dẫn, không có lãi to nhưng mà đều. Theo Thanh niên Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|