Chính phủ "hứa" đảm bảo an toàn nợ công

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội, sáng 17/11.

Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Phó thủ tướng cho biết, Thủ tướng và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành các nghị quyết này.

Liên quan tới đảm bảo an toàn nợ công, vấn đề rất nóng từ đầu kỳ họp, Phó thủ tướng “hứa” thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay.

Đồng thời sẽ cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ lệ vay trong nước với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn. Kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn.

Giải pháp tiếp theo được Phó thủ tướng nêu là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nợ công gắn với đổi mới cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng lành mạnh, tích cực. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định.

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong lĩnh vực nội vụ, theo báo cáo, từ năm 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và 2 lần tăng phụ cấp công vụ với mức điều chỉnh cao hơn tốc độ tăng giá.

Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015.

Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã được thành lập. Chính phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc bố trí nguồn để thực hiện nên Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình đề án vào thời điểm thích hợp, Phó thủ tướng cho biết.

Nhìn tổng thể các lĩnh vực, Phó thủ tướng cho rằng có những việc đã đạt kết quả bước đầu và cũng có nhiều việc còn chưa đạt yêu cầu.

Như việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Quản lý giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Chính phủ cũng đánh giá, cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao.

Han chế tiếp theo được nêu là công tác quản lý thông tin truyền thông có mặt còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng. Bội chi ngân sách còn cao, nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn, cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề còn nhiều hạn chế, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và thanh niên nông thôn còn khó khăn.

Công tác xây dựng thể chế còn chậm, một số quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi. Tình trạng khiếu nại tố cáo còn phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, Phó thủ tướng nói.

Theo Vneconomy

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: