Ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản: Chưa tương xứng với tiềm năng

Có thể khẳng định, hiếm có tỉnh, thành nào sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế như Quảng Ninh. Đường bờ biển dài hơn 250km, diện tích mặt biển trên 10.000km2, diện tích rừng ngập mặn và bãi triều trên 43.000ha, có 21.800ha diện tích bãi và các cồn, rạn, nhiều vịnh, vụng kín gió dọc theo bờ biển...

Nhờ lợi thế đó, những năm qua, sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản trên toàn tỉnh không ngừng tăng qua các năm. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2014, tổng sản lượng thuỷ sản trên toàn tỉnh đạt 75.410 tấn, bằng 99,9% so với cùng kỳ. Cụ thể, khai thác đạt 49.280 tấn, bằng 101,8% so với cùng kỳ, trong đó: Khai thác biển 47.784 tấn, khai thác nội địa 1.496 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 26.130 tấn, bằng 96,5% so với cùng kỳ, trong đó: Sản lượng nuôi mặn lợ 20.230 tấn, sản lượng nuôi nước ngọt 5.900 tấn.

Chế biến mực xuất khẩu tại Công ty CP XNK Thuỷ sản Quảng Ninh.
Chế biến mực xuất khẩu tại Công ty CP XNK Thuỷ sản Quảng Ninh.

Những lợi thế nêu trên là cơ sở vững chắc cho ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Một trong những nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản phát triển chưa mạnh, xuất phát từ nguồn cung không ổn định. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện chỉ có 4 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu là: Công ty XNK Thuỷ sản II Quảng Ninh, Công ty CP Sơn Hải Minh, Công ty CP Thuỷ sản Phú Minh Hưng, Công ty CP XNK Thuỷ sản Quảng Ninh với tổng công suất cấp đông của các  đơn vị này là 100 tấn/ngày, tổng công suất kho bảo quản lạnh trên 2.000 tấn. Ngoài ra, hiện có 2 công ty chế biến thực phẩm chất lượng cao tiêu thụ nội địa là: Công ty CP Nước mắm Đại Yên, Công ty CP Nước mắm Cái Rồng. Hầu hết các doanh nghiệp đang phải tìm nguồn cung trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Sản lượng khai thác trên địa bàn tỉnh đưa vào các nhà máy chế biến chỉ đạt khoảng 25%, nuôi trồng đáp ứng khoảng 30%, nguồn nguyên liệu nhập từ các địa phương khác chiếm tỷ lệ 35%. Do đặc thù nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực miền Bắc chủ yếu tập trung vào vụ xuân hè, thời vụ thu hoạch dồn dập khoảng nửa tháng 6 đầu tháng 7. Đây là thời điểm duy nhất trong năm các doanh nghiệp không bị rơi vào tình trạng khan hiếm nguyên liệu. Thêm vào đó là sự mất cân đối trong việc khai thác giữa vùng ven bờ và xa bờ, đội tàu khai thác xa bờ phát triển chậm, công tác dịch vụ hậu cần nghề cá được tổ chức tốt... Việc nuôi trồng thuỷ sản không theo quy hoạch, hạ tầng cơ sở còn hạn chế… ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, môi trường và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến lại phân bố không phù hợp theo các tuyến sản xuất và các vùng nguyên liệu mà chủ yếu tập trung ở Hạ Long, Vân Đồn và Quảng Yên. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại phải cạnh tranh với Trung Quốc trong việc thu mua nguyên liệu.

Theo ông Nguyễn Thượng Uyển, Phó Giám đốc Công ty CP XNK Thuỷ sản Quảng Ninh cho biết: Nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến không ổn định do ngư trường bị hạn chế, đặc biệt Quảng Ninh chưa có tàu khai thác quốc tế. Nguồn nguyên liệu nuôi trồng là tôm thẻ chân trắng, tôm sú cũng bị hạn chế do thời tiết và ô nhiễm môi trường. Công ty đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới như nhập từ Indonesia, Malaysia... khoảng từ 20-30% để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, đặc biệt là những tháng cuối năm. Việc nhập khẩu có ưu thế là bảo đảm chất lượng và giúp doanh nghiệp chủ động trong khâu sản xuất nhưng mức giá nhập lại cao hơn với giá trong nước. Song, không phải mặt hàng nào cũng nhập khẩu được và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng đủ tiềm lực tài chính để thu mua nguyên liệu dự trữ.

Mặt khác, thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản hiện nay chủ yếu là Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản… Tuy nhiên, những năm gần đây, các thị trường truyền thống này đang gặp khó khăn, do đó, các công ty phải tìm cách chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận với thị trường mới, bởi hầu hết các nhà máy chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh hiện nay đều hoạt động với công nghệ cũ, chưa chú trọng đầu tư nên sức cạnh tranh của sản phẩm yếu, chưa đủ sức vươn xa, đứng vững ở những thị trường lớn.

Trong khi chế biến sản phẩm xuất khẩu còn nhiều bất cập thì chế biến tiêu thụ nội địa lại mang nặng tính thủ công, quy mô nhỏ, công nghệ còn lạc hậu chủ yếu là các sản phẩm truyền thống như: Nước mắm, cá khô, mực khô, tôm khô, bột cá chăn nuôi… Những yếu tố này khiến các doanh nghiệp gặp trở ngại trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường.

Để ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cần phải có những giải pháp hữu hiệu, sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các ngành, địa phương.

Cao Quỳnh

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: