Quảng Yên: Tạo sự đột phá cho công nghiệp |
Quảng Yên đang sở hữu rất nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên khoáng sản để đẩy nhanh phát triển công nghiệp. Đây được coi là khâu đột phá quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững của địa phương.
TX Quảng Yên nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên tuyến Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và nằm ở giữa 3 thành phố là Uông Bí, Hạ Long và Hải Phòng. Chính vì thế, TX Quảng Yên có tiềm năng lớn trong mở cửa giao lưu thương mại với các địa phương trong nước, liên kết không gian kinh tế với Hạ Long và Hải Phòng để tạo thành trục kinh tế động lực ven biển Hải Phòng - Quảng Yên - Hạ Long. Nơi đây còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, cùng với lực lượng lao động công nghiệp tương đối dồi dào. Những tiềm năng sẵn có cùng với sự quan tâm của tỉnh, của Trung ương đang mở ra cho Quảng Yên những cơ hội phát triển mới. Đó là khả năng tận dụng vị trí địa kinh tế thuận lợi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất thời gian qua như: Công ty CP Vận tải Biển Bắc đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển, Công ty CP Thạch Bàn Yên Hưng, Tập đoàn Xuân Lãm đầu tư nhà máy sản xuất gạch… Bên cạnh đó, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) ở dải hành lang đường Quốc lộ 18A nối liền với TP Hạ Long đã được hình thành. Qua đó, đã góp phần tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp của thị xã. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Quảng Yên năm 2014 dự kiến đạt 1.405 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm. Điển hình là KCN Đông Mai, có tổng diện tích 160ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng được đầu tư theo mô hình KCN sạch, thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản và thực phẩm; công nghiệp nhẹ; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp… Việc phát triển KCN Đông Mai nhằm mục đích thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao; thực hiện lộ trình điều chỉnh về cơ cấu phát triển kinh tế, trong đó giảm tỷ trọng phát triển công nghiệp nặng. Đặc biệt là những ngành công nghiệp liên quan, ảnh hưởng tới môi trường; đồng thời tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp phụ trợ có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường... Hiện tại, KCN Đông Mai đã có 1 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động là Nhà máy Sản xuất hệ thống dây dẫn và cụm thiết bị điện ô tô thuộc Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam. Nhà máy có tổng mức đầu tư gần 740 tỷ đồng với công suất 2,7 triệu bộ sản phẩm/năm, tạo việc làm cho 3.000 lao động. Được biết, KCN Đông Mai hiện nay được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh đó, thị xã còn có 5 CCN đã được phê duyệt và có dự án hoạt động. CCN đóng mới tàu thuyền Hà An, CCN chế biến thuỷ sản Yên Giang, CCN Km7, CCN tàu thuỷ Sông Chanh, CCN Đồng Bái. Điển hình là CCN đóng mới tàu thuyền Hà An (phường Hà An), với diện tích 9,9ha. Hiện CCN đang có 19 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đang hoạt động, với diện tích lấp đầy đạt trên 80% như: Công ty Đóng tàu VT Sinh Đức, Công ty Đóng tàu Thịnh An, Công ty Đóng tàu Hoàng Cau... Hay như CCN chế biến thuỷ sản Yên Giang (phường Yên Giang) có diện tích 4ha với tỷ lệ lấp đầy 100%. Trong cụm có 3 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất là: Công ty CP Thuỷ sản Phú Minh Hưng, Công ty Thuỷ sản 2 Quảng Ninh, Công ty XNK Quảng Ninh. Mặc dù đã có những bước phát triển, song sự phát triển của ngành công nghiệp thị xã vẫn đang bị kìm hãm bởi một số khó khăn, hạn chế như: Vốn đầu tư thấp, một số dự án chậm tiến độ nên khó thu hút nhà đầu tư, ngành sản xuất VLXD sử dụng nhiều tài nguyên nhưng giá trị thấp, ô nhiễm môi trường... Do đó, thực hiện mục tiêu đến năm 2015, ngành công nghiệp Quảng Yên chiếm tỷ trọng 53%, năm 2020 chiếm 61,5%, năm 2030 chiếm 64,7% cơ cấu kinh tế, hiện Quảng Yên đã khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp TX Quảng Yên giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch đã định hướng cụ thể mục tiêu cho từng ngành công nghiệp trong giai đoạn tới như: Công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản; công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử; công nghiệp dệt may, da giầy; công nghiệp sản xuất hoá chất, bao bì, nhựa... Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng định hướng xây dựng các KCN gắn với xây dựng “Thành phố thông minh” gồm các khu chức năng như: Khu đô thị, KCN công nghệ cao và thân thiện với môi trường, khu mậu dịch tự do, các cơ sở nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, thu hút đầu tư nước ngoài để hình thành các KCN mới, KCN dịch vụ đa năng Đầm Nhà Mạc, KCN công nghệ cao. Trên cơ sở đó, Quy hoạch đã đề ra các giải pháp cụ thể về vốn đầu tư, công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách; phấn đấu đến sau năm 2020 phát triển ngành công nghiệp ở TX Quảng Yên là công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Với những kết quả đã đạt được thời gian qua, cùng việc hoạch định rõ những bước đi chiến lược, tin tưởng rằng trong thời gian không xa, ngành công nghiệp của Quảng Yên sẽ có được những bước phát triển mới. Cao Quỳnh Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|