Bộ Tài chính chỉ đạo giảm giá cước vận tải

Giá xăng dầu nhiều lần giảm nhưng cước vận tải vẫn đứng yên, buộc Bộ Tài chính đề nghị ngành giao thông và các địa phương tăng cường rà soát tại các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính vừa có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh tăng 5 lần, giảm 8 lần; dầu diezen cũng tăng 4 lần, giảm 15 lần. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận định giá các mặt hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá nhiên liệu trên thị trường chưa thể hiện rõ xu hướng giảm. Trong đó, cước vận tải là loại chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu cũng chưa giảm tương ứng.

Xăng giảm 8 lần nhưng giá cước vận tải vẫn
Xăng giảm 8 lần nhưng giá cước vận tải vẫn "án binh bất động". Ảnh: NLĐ

Cơ quan này đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các Sở, doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiêm quy định về quản lý, kê khai giá cước vận tải. Đồng thời, những đơn vị này phải chỉ đạo doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và các yếu tố đầu vào.

Bộ Tài chính cũng đề nghị, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế kiểm tra các doanh nghiệp vận tải, rà soát giá cước đã kê khai. Với trường hợp biến động của chi phí xăng dầu tác động làm giảm giá thành thì yêu cầu doanh nghiệp tính toán, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu. Trong đó, Bộ lưu ý việc kiểm tra với những doanh nghiệp đã kê khai tăng giá cước tại thời điểm xăng dầu tăng giá trong năm 2014.

Trong khi đó, trao đổi với PV, các đơn vị vận tải lại đưa ra nhiều lý giải về việc chưa điều chỉnh giá cước. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM kiêm Phó tổng giám đốc hãng taxi Vinasun cho hay, cuối năm 2013 xăng tăng đợt cuối cùng, lúc đó các hãng taxi đã điều chỉnh giá.

Theo tính toán, cuối năm 2013 đến nay đã có 6 lần xăng tăng giá với tổng giá trị 2.010 đồng, còn giảm 8 lần với tổng giá trị 3.300 đồng. Nếu tính toán khấu trừ chênh lệch theo hai đợt này thì xăng chỉ giảm được 1.290 đồng. Và với mức giảm 1.290 đồng thì không thể nào buộc các hãng này điều chỉnh giá. Bởi lẽ, theo ông Hỷ, cước taxi còn căn cứ bởi nhiều yếu tố khác như phí quản lý điều hành, thuế… chứ không chỉ có nhiên liệu.

Thêm nữa, taxi khác với các lĩnh vực khác vì còn phải căn cứ vào đồng hồ tính cước (taximet). Cho nên, mỗi lần tăng hay giảm giá cước không hề đơn giản. Cụ thể, Vinasun hiện có 5.400 xe, nếu điều chỉnh phải huy động toàn bộ số xe này “bỏ kinh doanh” để về xếp hàng cho cơ quan chức năng kiểm tra đồng hồ tính tiền xong mới tiến hành lập trình lại. Sau lập trình, nhà chức trách đến kiểm tra lần nữa mới cho vận hành. Với số lượng xe lớn như vậy, mỗi lần kiểm định hãng phải mất 650 triệu đồng.

Về phía đơn vị vận tải hàng hóa, ông Huỳnh Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Phú Mỹ giải thích, giá xăng dầu giảm nhưng biên độ thấp, chưa đủ bù so với các đợt tăng giá trước đó. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho xe tăng cao. Hiện giá đầu tư cho xe mới tăng 50%, trong khi giá xăng giảm không đáng kể.

“Cần lưu ý, trước đó, khi giá xăng dầu tăng, chúng tôi không hề điều chỉnh mà còn phải cầm cự gánh thêm cả chi phí bảo trì đường bộ”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Dù đã giảm 4-5% cước vận tải và áp dụng cho khách hàng từ 1/11, tuy nhiên ông  Trần Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Trung Việt cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp vận tải khác không giảm giá cước khi xăng giảm cũng vì nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố đầu vào cao tác động khá mạnh lên giá cước.

Ông đưa ra dẫn chứng, năm 2009, khi đầu tư mua xe kéo mới đời 2004 của Mỹ với giá 450 triệu đồng. Sau 5 năm vẫn loại xe ấy nhưng giá đã tăng gấp 3, lên 1,2 tỷ, còn loại xe đời 2009 là 1,7 tỷ. Trong khi lãi suất ngân hàng giảm không đáng kể và giữ mức 10-11%. Hơn nữa, vận tải hàng hóa có đặc thù riêng là phải ký hợp đồng trước với khách hàng cả năm nên việc tăng giảm giá không phải muốn là được. Một khi thấy lợi nhuận tăng lên, để có sự cạnh tranh, doanh nghiệp vận tải sẽ tự hạ giá cước cho phù hợp với quy luật cung cầu.

“Bình thường, giá xăng dầu tăng chóng mặt nhưng hiếm khi khách hàng đồng ý cho doanh nghiệp vận tải tăng giá, trừ khi giảm mỗi lần 2.000-3.000 đồng một lít”, ông Thọ nói thêm.

Một chuyên gia kinh tế độc lập nhìn nhận, thực tế các doanh nghiệp đang "tranh thủ" khai thác lợi nhuận và đó là phản ứng "tự nhiên" của các đơn vị này.

Theo tính toán, giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm liên tiếp ở mức hơn 10%, dù biện minh gì đi nữa thì thị trường đang trái quy luật. Thông thường, với mức này các doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh giá cho phù hợp với thị trường. Thế nhưng, hiện giá nằm trong tay của trung gian, tiểu thương, doanh nghiệp nên để điều chỉnh hợp lý là rất khó. Đây cũng chính là lỗ hổng lớn trong quản lý điều hành thị trường khiến người dân chịu thiệt.

Theo Vnexpress

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: