Điểm tựa vững chắc cho ngư dân

Dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc bộ được khởi công vào năm 2009, với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình Biển Đông – hải đảo, chương trình hỗ trợ mục tiêu đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Đến thời điểm này dự án đã cơ bản hoàn thành (đạt trên 90% khối lượng).

Tàu, thuyền neo đậu an toàn trong khu neu đậu tránh trú bão tại Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tàu, thuyền neo đậu trong khu neu đậu tránh trú bão tại Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Huyện đảo Cô Tô có ngư trường rộng lớn với trên 1.000 loài cá, trong đó 60 loài có giá trị kinh tế cao, nhiều loại quý hiếm mà ít địa phương khác có được. Đây chính là lợi thế để huyện phát huy nghề khai thác thuỷ sản. Chính vì vậy, ngư nghiệp vẫn được huyện xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo thống kê của UBND huyện Cô Tô, tính đến tháng 5-2015, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 500 tàu đánh bắt thủy sản đang hoạt động trên vùng biển huyện Cô Tô.

Những năm trước đây, vào mùa mưa bão, ngư dân thường rất lo lắng tìm nơi tránh trú an toàn cho tàu, thuyền. Để tránh bão, ngư dân thường đưa tàu thuyền về những nơi tránh trú xa như về tận Vân Đồn hay tập trung một phần sang xã đảo Thanh Lân. Việc phải di chuyển trên một quãng đường xa khiến ngư dân chưa thể yên tâm. Ngoài ra, với đặc thù phải đánh ngoài khơi nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm, xăng dầu, nơi bảo quản, sơ chế là rất lớn trong khi trước đây hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn chưa thể đáp ứng được.

Trước thực tế đó, năm 2009, Dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ tại huyện Cô Tô chính thức được khởi công. Dự án gồm có các hạng mục: Đê chắn sóng kết hợp bến cập tàu 600CV có chiều dài 900m; đường ra bến cập tàu dài 1,775km; san nền và kè khu hậu cần kết hợp bến cập tàu 150CV (tổng diện tích san nền là 17,1ha); nhà điều hành, chợ đầu mối 2 tầng, diện tích sàn mỗi tầng trên 2.000m2; nhà tiếp nhận và phân loại thuỷ hải sản, kho đông lạnh…

Hiện các hạng mục chính của Dự án đã được hoàn thành như: Đê chắn sóng kết hợp bến cặp tàu 600Cv; khu neo đậu tránh trú báo cho tàu thuyền nghề cá; đường từ bến cập tàu cũ ra khu hậu cần nghề cá. Đặc biệt khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá được hoàn thành từ năm 2012 trở thành điểm tựa vững chắc, giúp cho ngư dân yên tâm bám biển, không còn phải vất vả tìm kiếm nơi tránh bão an toàn như những năm trước đây.

Tuyến đường dẫn từ đường trục chính vào Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá được xây dựng
Tuyến đường dẫn từ đường trục chính vào Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư xây dựng kiên cố, sạch đẹp.

Hiện nay, Dự án còn hạng mục san nền và kè khu Hậu cần nghề cá kết hợp bến cặp tầu 150CV đang được đẩy nhanh tiến độ thi công và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7-2015. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình huyện Cô Tô cho biết: Một trong những khó khăn hiện nay đó là viêc tìm nguồn đất trên đảo để phục vụ việc san lấp rất khó khăn. Phần lớn là đất quốc phòng, trong khi đó nếu vận chuyển đất từ đất liền lại kéo theo chi phí lớn. Chính vì vậy, để đảm bảo tiến độ của công trình Ban Quản lý dự án công trình huyện Cô Tô đang tích cực phối vợp với các cơ quan liên quan tìm nguồn đất san lấp mặt bằng.

Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ là nơi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân như dầu diezel, nước ngọt, hàng đông lạnh, lương thực, vật tư ngư nghiệp... cho khoảng 2.000 tàu đánh bắt hải sản. Việc hoàn thành xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản của huyện Cô Tô ngày cảng khởi sắc.

Tuấn Kiệt - Hùng Sơn

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: